Báo Nhân dân: Phú Quốc phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của khu vực

12/01/2024 14:46 +07 - Lượt xem: 3581

Theo quy hoạch chung đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định sẽ trở thành đô thị biển đảo đặc sắc; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển… Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phú Quốc cần có thêm những “cú huých” tạo động lực mạnh mẽ thu hút du khách trên hành trình khẳng định vị thế du lịch.

Theo quy hoạch chung đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định sẽ trở thành đô thị biển đảo đặc sắc; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển… Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phú Quốc cần có thêm những “cú huých” tạo động lực mạnh mẽ thu hút du khách trên hành trình khẳng định vị thế du lịch.

Ảnh sưu tầm

Là hòn đảo lớn nhất Việt Nam nằm trong vịnh Thái Lan, Phú Quốc không chỉ mê hoặc du khách bởi vẻ đẹp nên thơ của biển xanh, cát trắng, những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, những ngọn núi, thác nước hùng vĩ, hệ động-thực vật phong phú, sản vật địa phương độc đáo…, mà còn quyến rũ bởi hệ sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đẳng cấp được các nhà đầu tư kiến tạo.

“Thiên đường” nghỉ dưỡng nhiệt đới

Nói tới du lịch Phú Quốc, tiêu biểu phải kể tới những dự án tạo nên điểm nhấn như: Grand World, Vinpearl Safari Phú Quốc, Sun World Hon Thom, cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới, tháp đồng hồ Central Village – biểu tượng phồn vinh của thành phố đảo, công viên nước hàng đầu châu Á Aquatopia, hay cầu Hôn-một kiệt tác kiến trúc độc đáo… Cùng với đó là hàng loạt tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp của những tập đoàn đầu tư hàng đầu như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, New World Phu Quoc…
Hầu hết các thương hiệu khách sạn danh tiếng quốc tế đều hội tụ tại đây, như JW Marriott, New World, Accor Hotels, Hyatt, InterContinental, Regent, Novotel, Movenpick… Với gần 300 dự án đầu tư du lịch có tổng vốn 375.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án đang và sắp được triển khai xây dựng, diện mạo du lịch Phú Quốc sẽ còn tiếp tục đổi thay theo hướng hiện đại, văn minh hơn.
Giờ đây, đến với đảo ngọc, bên cạnh thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bãi Sao, Bãi Kem, những điểm ngắm bình minh và hoàng hôn đầy lãng mạn…, du khách còn được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch cao cấp và đặc sắc như lặn ngắm san hô, khám phá những khu phố sầm uất không ngủ, hay thưởng thức những show nghệ thuật sử dụng công nghệ trình diễn đa phương tiện hoành tráng như “Kiss The Stars”…
Sở hữu khí hậu ấm áp quanh năm không có bão, lại được hưởng chính sách ưu đãi về thị thực dành cho khách quốc tế, thời gian qua, Phú Quốc liên tục nằm trong danh sách những điểm đến được yêu thích nhất của du khách trong nước, quốc tế. Du lịch đảo ngọc thường xuyên được truyền thông thế giới ca ngợi. Năm 2021, Tạp chí Time bình chọn Phú Quốc là một trong 100 hòn đảo tuyệt vời nhất hành tinh.
Năm 2022, Phú Quốc được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Hòn đảo có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới”. Năm 2023, Tạp chí du lịch Travel+Leisure tiếp tục xếp Phú Quốc đứng thứ 3/23 điểm đến tốt nhất. Và mới đây, Travel Lemming – website hướng dẫn du lịch trực tuyến với hơn 10 triệu độc giả hằng năm, đã gọi tên Phú Quốc ở vị trí thứ 6 trong danh sách 50 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2024.

Để đảo ngọc ngày càng “lấp lánh”

Có thể nói, với vẻ đẹp kỳ diệu về cảnh quan cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đẳng cấp cao, Phú Quốc sở hữu đầy đủ tiềm năng để trở thành thiên đường nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất khu vực, hoàn toàn không thua kém đảo Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Tuy nhiên, sau những làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian qua, du lịch đảo ngọc có thời điểm phải đối mặt tình trạng sụt giảm cục bộ về lượng khách.
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, khách trong nước đến Phú Quốc giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Dịp lễ 2/9 vừa qua, đảo ngọc chỉ đón được gần 62 nghìn lượt khách, giảm gần 27% – mức giảm kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều lý do khách quan được chỉ ra, như sự bất lợi của thời tiết Phú Quốc mùa mưa; giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn trong nước và đường bay quốc tế đến Phú Quốc tăng cao…
Nhưng nguyên nhân có lẽ không chỉ có thế bởi gần đây, còn xuất hiện những phàn nàn không đáng có về du lịch Phú Quốc liên quan việc chèo kéo, hét giá du khách, môi trường ô nhiễm… Theo các chuyên gia, đây là tình trạng đáng báo động, cần được tập trung chấn chỉnh ngay để không kéo tụt tốc độ phát triển cần có, tương xứng tiềm năng dồi dào của du lịch Phú Quốc.
Ông Dương Hữu Toản, Giám đốc điều hành Công ty Wondertour nhận định, sau gần ba năm chịu tác động kéo dài bởi đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại Phú Quốc bị đứt gãy, xuất hiện những cơ sở kinh doanh có tâm lý muốn được bù lỗ, thu hồi vốn nhanh cho nên làm ăn kiểu “ăn xổi”, gây ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến Phú Quốc. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch bị phân tán sau đại dịch, nhân sự thay thế chưa đủ và chưa đáp ứng được đòi hỏi về tiêu chuẩn dịch vụ cũng dẫn đến những chệch choạc trong bảo đảm chất lượng sản phẩm.
“Phần lớn khách đến Phú Quốc thời gian qua là khách trong nước, cho nên trong khi chờ thị trường khách quốc tế ấm dần trở lại, Phú Quốc nên có chương trình kích cầu riêng dành cho đối tượng khách này.” – Ông Dương Hữu Toản, Giám đốc điều hành Công ty Wondertour chia sẻ.
Ông Toản phân tích, phần lớn khách đến Phú Quốc thời gian qua là khách trong nước, cho nên trong khi chờ thị trường khách quốc tế ấm dần trở lại, Phú Quốc nên có chương trình kích cầu riêng dành cho đối tượng khách này. “Nếu thị trường đang không sẵn sàng với du lịch chi phí cao, Phú Quốc có thể tạo ra những sản phẩm du lịch có chi phí thấp hơn.
Chẳng hạn, cùng với du lịch nghỉ dưỡng, có thể tổ chức ngay những tour du lịch chuyên đề dành cho các học sinh, sinh viên của Phú Quốc và các tỉnh lân cận tới tham quan di tích lịch sử, làng nghề truyền thống kết hợp đào tạo kỹ năng sống, hay những tour du lịch MICE dành cho các khách hàng doanh nghiệp. Hoặc để giảm sự phụ thuộc vào nguồn khách đến bằng đường hàng không, Phú Quốc có thể tính tới xây dựng thêm những tour khám phá Phú Quốc bằng đường bộ, đường thủy với nhiều ưu đãi”, ông Toản gợi ý. Giám đốc điều hành Wondertour cho rằng, đây là lúc ngành du lịch Phú Quốc cần phát huy vai trò của “nhạc trưởng” trong thúc đẩy liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ máy bay, nhà hàng, điểm đến, lưu trú… để điều chỉnh giá, điều chỉnh dịch vụ theo hướng hợp lý, cạnh tranh.
Đứng ở góc độ nghiên cứu du lịch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Du lịch Phú Quốc còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với ba dòng sản phẩm chính: du lịch biển đảo, du lịch tự nhiên, du lịch đô thị. Để lấy lại vị thế, điều quan trọng là Phú Quốc cần thắt chặt sự liên kết giữa các bên liên quan để quản lý điểm đến hiệu quả, bền vững, không để xảy ra tình trạng ép giá, không bảo đảm chất lượng dịch vụ, có phương án xử lý nước thải, rác thải…
Bên cạnh đó, cần có những chiến dịch xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ về hình ảnh Phú Quốc xanh, sạch, đẹp, là điểm đến có thể đáp ứng đa dạng các nhu cầu trải nghiệm của du khách. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, trước đây, lượng khách đến với Phú Quốc luôn đông đảo cho nên địa phương chưa chú trọng nhiều đến việc kết nối với các doanh nghiệp lữ hành một cách bài bản. Khi nhu cầu thị trường giảm, doanh nghiệp ít gửi khách đến, dẫn tới lượng khách sụt giảm hẳn. Vì thế, Phú Quốc cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp gửi khách đến để gia tăng khả năng đón các đoàn khách lớn.
Đồng thời, cần có giải pháp để đào tạo lực lượng lao động du lịch địa phương tại chỗ để nâng cao tính chuyên nghiệp, bền vững trong cung cấp dịch vụ. “Trước dịch Covid-19, khách Nga đến Phú Quốc nhiều nhưng hiện đã suy giảm thì cần tính tới thúc đẩy lượng khách đến từ các thị trường tiềm năng khác có đường bay thẳng tới Phú Quốc như Ấn Độ, Hàn Quốc…; cùng với đó là tăng cường kết nối để tổ chức thêm những đường bay trực tiếp đón khách từ những thị trường có nhu cầu về du lịch biển đảo” – ông Long đề xuất.
Với quyết tâm tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc vừa ban hành Văn bản số 754/KH-UBND về Triển khai chuỗi hoạt động kích cầu du lịch Phú Quốc, nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động từ hệ thống các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố đến các xã, phường, các doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch Phú Quốc theo phương châm “đặc sắc-chuyên nghiệp-an toàn-sạch, đẹp-văn minh”.
Kế hoạch đưa ra chuỗi hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch “Tôi yêu Phú Quốc”; chuỗi sự kiện tạo sức hút cho Phú Quốc như Siêu nhạc hội quốc tế 8Wonder Winter Festival; Countdown Phu Quoc 2024; Ngày xanh Phú Quốc, lễ hội truyền thống…; kết hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch (Củng cố, kiện toàn Tổ kiểm tra liên ngành “Giám sát, kiểm soát chất lượng và giá cả dịch vụ du lịch Phú Quốc”, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh du lịch).
Hy vọng, sự đồng lòng vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp, người dân sẽ giúp đảo ngọc nhanh chóng lấy lại vị thế, ngày càng khẳng định được sức hút của một thiên đường du lịch đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư…
 




    Đăng ký tư vấn

      Đặt tour đoàn/ Nhóm riêng

      • Dự kiến khởi hành

      • Dự kiến ngày về


      Thông tin khách hàng


      Bài xem nhiều