Thuyết minh tour Đông Tây Bắc: thuyết minh Mù Cang Chải

28/11/2021 22:31 +07 - Lượt xem: 39486

Tour Đông Tây Bắc – Mù Cang Chải mùa lúa chín: Có dịp ghé thăm Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, chắc chắn cảnh sách nơi đây sẽ hút hồn bất cứ vị khách nào: Những tầng tầng, lớp lớp thửa ruộng trên sườn cao, cheo leo, chập trùng tựa như những nấc thang lên đến tầng trời… Điểm tô trên những thửa ruộng ấy là một màu xanh của lúa vào đòng, rồi trổ bông, rồi ngả vàng và cả vùng trời Khau Phạ được nhuộm một màu vàng óng khi lúa chín rộ. Đến với Mù Cang Chải mùa lúa chín, trong hành trang trở về nhà du khách đừng quên mang theo cốm Tú Lệ, gạo nếp nương Tú Lệ, táo mèo Mù Cang Chải… 

1.Tóm tắt chương trình tour

Lịch trình Thời gian Nội dung
Ngày 1 05h00 HDV đón quý khách tại điểm hẹn
Dừng chân tại đồi chè Thanh sơn chụp ảnh
  11h00 Dùng bữa trưa tại nhà hàng Nghĩa Lộ
  12h30 Du khách tham quan Tú Lệ
  15h00 Du khách dừng chân tại bậc thang của Mù Cang Chải để chụp ảnh
  17h00 Du khách về khách sạn nghỉ ngơi
  19h00 Dùng bữa tối tại nhà hàng và nghỉ đêm ở Mù Cang Chải
Ngày 2 05h30 Quý khách dậy sớm đi dạo và tận hưởng không khí ở miền núi cao Mù Cang Chải
  07h00 Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải
  12h00 Lên xe di chuyển về trung tâm dùng trưa
  13h00 Quý khách lên xe khởi hành về Hà Nội
  18h00 HDV chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khách trong những chuyến đi tiếp theo.

2. Nội dung thuyết minh trên xe

Thưa quý đoàn thân mến, vậy là chuyến xe mang biển số 29B-1234 vừa rời xa Hà Nội để đến với mảnh đất Yên Bái. Không biết là ở phía cuối xe, sau khi xe đã di chuyển thì có ai cảm thấy mệt mỏi không ạ? Dạ nếu có ai mệt mỏi và đau đầu quá thì chúng ta có thể di chuyển lên trên đầu xe để thương lượng với những người ngồi trên đầu để chúng ta có thể đổi vị trí cho nhau cho đỡ mệt mỏi ạ. Dạ vâng và sau đây em xin được giới thiệu sơ qua về Tỉnh Yên Bái ạ. Yên Bái là một tỉnh nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc, Việt Bắc và trung du Bắc Bộ, thành phố Yên Bái nằm ở vị trí phía Bắc và phía Đông giáp huyện Yên Bình, phía Tây và phía Nam giáp huyện Trấn Yên. Yên Bái sở hữu rất nhiều lợi thế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các sản phẩm du lịch độc đáo. Hiện tại chuyến xe của đoàn nhà mình đang di chuyển trên QL 32 để đến với mảnh đất Yên Bái này đó ạ.

Mảnh đất Tây Bắc có 4 con đèo đó là: đèo Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ và Mã Pí Lèng. Những con đèo em vừa liệt kê vốn dĩ đã trở thành huyền thoại đối với những du khách đã từng đặt chân đến với mảnh đất Tây Bắc xa xôi này rồi ạ. Đoàn nhà mình đang trên đường di chuyển tới Yên Bái nơi có con đèo Khau Phạ đang chờ đoàn nhà mình đến khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con đèo được công nhận là 1 trong 4 tứ đại đỉnh đèo của miền bắc ạ.

Quý đoàn nhà mình có thể hiểu cụ thể hơn là con đèo Khau Phạ là con đèo xếp thử 2 trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Đèo Khau Phạ nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái , con đèo này đã đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Khau Phạ đẹp nhất ở khoảng tháng 9 tháng 10, khi những triền ruộng bậc thang của các dân tộc Mông, Thái vào mùa lúa chín, rực rỡ sắc vàng. Đường đèo Khau Phạ có đến hai phần ba là đường cấp phối, gập ghềnh đá sỏi, chỉ có đoạn đi qua Tú Lệ mới được làm đẹp hơn đôi chút ạ.

Thưa toàn thể quý đoàn, vùng đất Yên Bái này chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng, được xác lập trong lịch sử lâu đời cùng với tín ngưỡng bản địa, phản ánh qua các di chỉ tiêu biểu nền văn hóa Đông Sơn, cùng nhiều công trình kiến trúc tâm linh, đình, chùa cổ nổi tiếng được xây dựng và phát triển qua nhiều thế hệ người dân như: đền Đông Cuông, Tuần Quán, Nhược Sơn, chùa Bách Lẫm, Ngọc Am… Tỉnh Yên Bái có dòng sông Hồng bồi đắp phù sa, tạo lên những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non vươn sát bờ sông tạo thành những khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục.

Đặc biệt được thiên nhiên ban tặng nên Yên Bái mang trong mình một phong cảnh non nước hữu tình với nhiều cảnh quan đẹp như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè Suối Giàng, hay khu du lịch Hồ Thác Bà… Đoàn nhà mình chuẩn bị được đặt chân đến vùng đất Yên Bái này em tin toàn thể quý vị đều cảm thấy được sức hấp dẫn qua những trải nghiệm ấn tượng tại mảnh đất đa sắc màu văn hóa này.

Em xin phép được giới thiệu qua một chút về Mù Cang Chải thì Mù Cang Chải là một huyện nhỏ ở phía tây tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn có độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Để đến được huyện này phải qua đèo Khau Phạ, được xem là một trong những con đèo ngoạn mục nhất của núi rừng Tây Bắc. Cảnh đẹp nơi đây là những thửa ruộng bậc thang nằm trên các sườn núi, lớp nọ gối tiếp lớp kia trên diện tích khoảng 2.200 ha. Vào khoảng năm 2007, có 500 ha diện tích ruộng bậc thang thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được xếp hạng là di tích quốc gia như là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất tại Việt Nam.

Cho em hỏi một chút là trên xe mình đã có quý vị nào được đặt chân đến huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chưa ạ? Chắc hẳn nếu như đã có quý vị nào đến rồi thì chắc chắn sẽ được một lần đặt chân đến vùng chè Shan tuyết Suối Giàng, để thưởng thức thứ chè nổi tiếng của người Mông, mà đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn thường nhắc đến như một niềm tự hào đối với họ. Bật mí một điều cho đoàn nhà mình là có khoảng 80.000 cây chè Shan Tuyết có tuổi đời trên 200 năm đã được các nhà nghiên cứu chè ở Việt Nam và thế giới xác định vào khoảng những năm 1960, có nhiều cây còn lên tới 300 năm tuổi ở rừng chè Suối Giàng. Rừng chè cổ bao phủ khoảng 293 ha là một điểm đến độc đáo của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Theo em nhận định thì tỉnh Yên Bái là một tỉnh có khá là nhiều anh em chung sống cùng với nhau? Quý đoàn có đoán được một con số tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó của tỉnh thành này không ạ? Dạ vâng tỉnh Yên Bái cụ thể tính đến bây giờ là có khoảng 30 dân tộc anh em cùng chung sống với nhau , có nền văn hoá đa sắc tộc và hình thành nền văn minh sông Hồng rực rỡ.

Thưa toàn thể quý đoàn từ bao đời nay, điệu xòe của người Thái đã dần trở thành một đặc trưng văn hóa, được xem là “tài sản chung” của nhiều dân tộc ở Tây Bắc. Điệu xòe luôn xuất hiện trong các lễ hội, những ngày vui của bản làng, điệu xòe mang tới lời chào, mời gọi du khách gần xa đến thăm. Đó là tiếng lòng của bà con Tây Bắc gửi gắm trong điệu múa quyến rũ giữa non ngàn Tây Bắc. Múa xòe còn biểu hiện cả sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể, dân chủ cao nên người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe.

Do có nhiều dân tộc sống cùng với nhau cho nên các làng văn hóa được sinh ra chính là nơi tạo dựng, là nơi giữ gìn cảnh quan môi trường thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một số những lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Yên Bái như là lễ hội cấp sắc của người Dao ở Đại Sơn, lễ hội xuống đồng của đồng bào Mường ở Quy Mông, lễ hội cầu cơm mới đền Đông Cuông, lễ hội Hoa Ban Mường Lò, lễ hội đền mẫu Thác Bà… Các lễ hội này không đơn giản chỉ chứa đựng các giá trị phi vật thể mà còn là kết tinh truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Yên Bái.

Thưa toàn thể quý đoàn hiện tại chuyến xe nhà mình đang trên đường di chuyển đi tới Yên Bái và chúng ta đang chuẩn bị đi qua mảnh đất Ba Vì, vì vậy em xin phép mang sự tích của núi Ba Vì này đến với quý đoàn nhà mình ạ.

Thưa quý vị, ngày xưa Núi Ba Vì còn gọi núi Tản Viên (thuộc huyện Ba Vì xứ Đoài xưa, nay là ngoại thành Hà Nội) là một trong những ngọn núi tổ của nước ta và là ngọn núi của tâm linh, nơi ngự trị muôn đời của Đức Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Truyền thuyết về Ba Vì được ông cha ta ngày xưa kể rằng do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, ngăn nước lũ để chiến thắng giặc Thủy Tinh.

Vì thế nếu đi tham quan núi Ba Vì thì chúng ta sẽ thấy được trên bãi chiến trường xưa vẫn còn nhiều dấu tích của trận chiến huyền thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh, như suối Di, sông Tích, ngòi Tôm, đàm Mom, đầm Mít, đầm Sui, xóm Rùa, xóm Cá Sấu (ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì); thôn Rắn Giải ở Phụ Khang (xã Đường Lâm); truyền thuyết Thuồng Luồng ở Cầu Hang (xã Thanh Mỹ); truyền thuyết Thủy quái ở Ghềnh Bợ trên dải sông Đà…

Để tạo nên một vùng Ba Vì trù phú như ngày nay thì không thể không kể đến truyền thuyết dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, vì đó là minh chứng chứng minh tổ tiên người Việt đã bắt đầu công cuộc trị thủy, mở mang bờ cõi ở hạ lưu sông Đà và sông Tích

Quý đoàn nhà mình đã có ai từng được nghe về câu ca dao này chưa ạ?

“Nhất cao là núi Ba Vì

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”.

Thực tế thì núi Ba Vì chỉ cao 1.296m còn núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng có lẽ Ba Vì là nơi ngự của Đức Thánh Tản Viên, nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất.

Ngoài ra Ba Vì còn có những món ăn đặc sản có thể níu giữ được quý đoàn nhà mình ở lại đó ạ. Không biết đoàn nhà mình đã có ai đến Ba Vì và thưởng thức đặc sản nơi đây chưa ạ? Thì ở Ba Vì có những trang trại sữa với quy mô lớn và rất hiện đại, mô hình chăn nuôi theo quy trình sản suất nghiêm ngặt, vì thế sữa bò, sữa dê nuôi ở Ba Vì có hương vị thơm ngon đặc biệt. Uống ly sữa tươi ở đây, các bạn sẽ được cảm nhận rõ rệt vị béo, thơm, ngậy hay hơi gây đặc trưng của sữa.

Và cùng với các sản phẩm khác được chế biến từ sữa thì bánh sữa Ba Vì cũng là một trong những thứ quà mà du khách nào đặt chân đến vùng đất này cũng muốn được nếm thử. Vị thơm ngon, béo mềm của sữa, bơ cùng với hàm lượng dinh dưỡng cao từ sữa nguyên chất mang đến cảm giác thanh thanh vô cùng vừa miệng

Và một trong các đặc sản đi cùng thương hiệu bò sữa thì Ba Vì là những trang trại nuôi bò và bê sạch sẽ đã tạo lên nguyên liệu sạch để tạo lên món bê thơm ngon bổ dưỡng. Nguyên liệu đơn giản nhưng với sự khéo léo đã tạo lên món ăn tuyệt vời. Bê Non có thể làm được rất nhiều món ngon như tái Bê, hay những món xào với những nguyên liệu khá đơn giản. Và cũng rất hiếm quý khách nào mà đến Ba Vì có thể khước từ sự mời gọi của món đặc sản vùng núi đồi này đấy nhé.

Và có lợi thế sở hữu nhiều vùng gò đồi và núi thấp, ở Ba Vì hiện nay có rất nhiều các trang trại nuôi gà đồi. Gà đồi ở Ba Vì được nuôi dưỡng trong điều kiện khí hậu lý tưởng, theo phương pháp chăn thả tự do trong vườn, nên thịt gà chắc, thơm và ngon. Gà đồi Ba Vì được chế biến thành rất nhiều các món khác nhau như: gà tần, gà luộc, gà rang xả ớt, lẩu gà, nộm gà. Và các quán gà đồi đó thường nằm trên đường Đại Lộ Thăng Long mà chúng ta vừa đi qua hoặc gần đường 32

Không biết từ bao giờ mà cá sông Đà đã trở thành một trong những món đặc sản của Ba Vì. Những con cá lăng, cá ngạnh, cá chiện được câu ở dưới sông Đà nhẹ thì cũng phải vài ký, may mắn hơn thì có con nặng đến cả chục kg được chế biến thành các món khách nhau như Cá nheo ôm chuối đậu, cá ngạnh rán, canh cá Lăng phảng phất hương vị của miền sông nước Đà Giang luôn hấp dẫn thực khách. Các món cá sông Đà thường được bán ở Ao Vua, Khoang xanh Suối tiên, Đầm Long…

Vốn được thiên nhiên ban tặng cho những dãy núi hùng vĩ nên thịt các loại thú rừng cũng rất được ưa chuộng ở Ba Vì thì các loại thịt chim như trĩ, gà gô hoặc nhím, cầy hay kể cả là thịt thú rừng cũng thường được bán ở các nhà hàng cạnh các điểm du lịch ở Ba Vì.

Và điều đặc biệt ở vườn Quốc gia Ba Vì chắc một số quý vị cũng có thể chưa biết thì rừng quốc gia Ba Vì lại chính là nơi cung cấp các loại rau rừng, ăn vừa ngon vừa lạ như rau Tầm Bóp, rau Chin xào tỏi hoặc nấu canh. Hoa chuối rừng nộm, hoa chuối nấu canh với rau cải chua..

Đi qua mảnh đất của núi Tản Viên – Ba Vì, hiện giờ đoàn nhà mình đang có mặt ở Đồi chè Thanh Sơn Phú Thọ được xem là nơi cất giữ bình yên

Nhắc đến Phú Thọ em nghĩ ngay đến câu thơ rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt. Đoàn nhà mình di chuyển qua vùng đất tổ, không chỉ được nghe về những di tích lịch sử hào hùng, mà quý vị còn có cơ hội tận hưởng trên đồi chè Thanh Sơn chính là một trong những đồi chè lớn nhất Phú Thọ, tận hưởng được thiên nhiên trong lành và tinh khiết.

Đồi chè Thanh Sơn là địa điểm lý tưởng cho một số đoàn khách du lịch trong những dịp gần đây. Ngay sát Hà Nội, được nhận hoàn toàn tự nhiên và trong lành, đến đây quý vị sẽ được tận hưởng những hương vị tinh khiết của buổi ban mai, hay trong cái thinh không vào buổi hoàng hôn.

Em xin phép quý đoàn nhà mình được giới thiệu sơ qua một chút về huyện Thanh Sơn này thì huyện Thanh Sơn là một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ. Thanh Sơn là một trong những địa điểm sở hữu nhiều chè nhất nhì tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có đến 3 cơ sở chè quốc doanh, với tổng diện tích lên đến 1.100ha. Khác với nhiều đồi chè khác khắp cả nước, đồi chè Thanh Sơn – Phú Thọ được trồng ngay ven đường lớn, địa hình mắt nhìn thì quý vị cũng có thể thấy là chúng không quá dốc, rất tiện đi lại và ghé thăm.

Thưa quý vị, nếu như Đà Lạt có cẩm tú cầu, Hà Giang có mùa tam giác mạch, Ba Vì có hoa dã quỳ… thì Thanh Sơn nơi chúng ta đang đặt chân ở đây thì lại sở hữu những đồi chè xanh mơn mởn, cảnh đẹp khiến mỗi du khách đến đây em tin đồi chè sẽ làm quý vị ngất ngây.

Đoàn nhà mình đang đi đồi chè Thanh Sơn vào mùa hè. Điều này thật tuyệt vời vì đồi chè Thanh Sơn này sẽ giúp quý vị quên đi được hết nắng nóng, mệt mỏi ở thành phố. Đây được coi là chốn nghỉ dưỡng tuyệt vời, không khí mát mẻ của vùng trung du. Còn khi vào đến mùa đông, đồi chè này lại sở hữu vẻ tĩnh mịch và trầm mặc như tại trời Âu, lá rụng cành khô có phần tiêu điều nhưng lại tạo nên một không gian cổ kính và có phần huyền bí hấp dẫn.

Đến những vườn chè tại Thanh Sơn, em tin rằng là du khách nào cũng sẽ cảm thấy ngỡ ngàng và choáng ngợp khi đi giữa đồi chè ngút ngàn. Những đồi chè trù phú bạt ngàn còn mang lại cảm hứng cho du khách đến thăm và là sự gợi mở khá hữu ích cho những mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng….

Điều khác biệt của đồi chè Thanh Sơn với đồi chè khác chính là các đồi chè ở các vùng khác thường nằm khá xa trục đường chính và được trồng ở nơi có địa hình cao nhưng riêng với đồi chè ở Thanh Sơn, Phú Thọ thì lại được trồng sát ngay đường lớn, có địa hình bằng phẳng.

Du khách du lịch Hà Nội như đoàn nhà mình đây em chắc chắn rằng là quý vị sẽ không khỏi choáng ngợp và ngỡ ngàng nếu lạc trong đồi chè ngút ngàn còn lảng bảng vào lúc sương sớm hay những người công nhân hái chè lầm lũi trên cánh đồng hay thấp thoáng bóng những người nông dân đạp xe chầm chậm trong sương sớm đi băng qua những con đường mòn quanh cánh đồng chè.

Đến với đồi chè Thanh Sơn, ngoài ngắm nhìn thiên nhiên kỳ thú thì quý vị còn có thể lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt đẹp của bản thân, chụp những bức hình sống ảo triệu like hay đơn giản chỉ là hít hà căng lồng ngực tinh túy của đất trời.

Và ngay bây giờ đây, đoàn nhà mình hãy cùng nhau bước xuống những vùng chè và giơ máy điện thoại, máy ảnh của mình lên để có lưu giữ được những khoảnh khắc tuyệt vời ngay bây giờ được không ạ?

Thưa quý vị thì chè cũng là loại cây kinh tế chính của vùng nói riêng và của tỉnh Phú Thọ nói chung với sản phẩm chè nổi tiếng khắp cả nước. Tại đây người dân cũng cung cấp cây chè giống để khách du lịch mua về trồng. Quý vị nào có nhu cầu trồng chè thì có thể hỏi bất cứ người dân địa phương ở đây nhé, người dân Phú Thọ rất thân thiện và không ngần ngại giải đáp thắc mắc giúp quý vị đâu ạ và quý vị nhớ thêm giúp em một điều là nếu có hỏi các trồng rồi thì chúng ta nên phải hỏi thêm về cách chăm bón nữa nhé, vì cách chăm bón mỗi cây mỗi nơi nó sẽ khác nhau.

Sau khi được tham quan một vòng ở đồi chè Thanh Sơn, chắc bây giờ có lẽ quý vị ai cũng cảm thấy cần lấp đầy chiếc bụng rồi đúng không ạ? Hiện tại là 11 giờ trưa, cũng đến giờ ăn trưa của đoàn nhà mình, và em cũng liên hệ với bên nhà hàng chuẩn bị bữa trưa cho quý vị rồi ạ. Bây giờ, mọi người hay theo chỉ dẫn của em để em đưa quý vị ra xe để di chuyển về nhà hàng được không ạ? Dạ vâng ạ em cảm ơn

Cho em được mạn phép hỏi đoàn nhà mình một chút về bữa trưa ngày hôm nay nhà hàng đã chuẩn bị cho quý đoàn. Quý đoàn nhà mình có hài lòng về bữa trưa ngỳ hôm nay không ạ? Em nghe thấy nhiều vị còn nói no căng bụng ạ. Dạ vâng nếu bữa trưa hôm nay đã khiến quý vị hài lòng đến như thế thì chắc hẳn quý vị đã nạp đủ năng lượng để cho một chiều được bùng nổ hơn đúng không ạ?

Vào mỗi độ gió thu về cũng là dịp để cho du khách gần xa tới đây không chỉ để đắm mình vào làn gió thơm ngào ngạt mùi lúa chín, mà còn là dịp để lắng nghe những câu chuyện kỳ bí được chính con người nơi đây kể lại, những mẩu chuyện ngắn nhắc về một chốn núi rừng mỹ lệ đầy sắc màu văn hóa.

Nhắc đến Yên Bái, đa phần du khách khi đến đây sẽ nghĩ tới những đồng ruộng bậc thang vàng óng tại Mù Cang Chải, những cánh rừng chè nằm lưng chừng núi của Suối Giàng hay sự hùng vĩ của thác Pú Nhu. Nhưng ít có đoàn khách nào có thể biết, Yên Bái còn sở hữu một địa điểm kỳ bí đang mê hoặc mang đầy nét bí ẩn khiến ai cũng muốn một lần được đến trải nghiệm. Đoàn nhà mình có đoán được điểm đến tiếp theo đoàn nhà mình đặt chân là ở đâu không ạ? Dạ vâng rất đúng rồi ạ.

Đó chính là xã Tú Lệ, một thung lũng rộng gần 3.000 ha thuộc huyện Văn Chấn, nằm dưới 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Nơi đây được biết đến với cảnh sắc Tây Bắc quyến rũ, đặc sản nếp dẻo thơm, suối nước khoáng nóng tự nhiên và nổi bật nhất có lẽ là những tập tục đầy thiêng liêng của đồng bào dân tộc người Thái.

Nơi đây cách Mù Cang Chải khoảng 50km về phía Đông, cứ khoảng vào tháng 9 hàng năm, nếu bạn di chuyển trên đường QL 32 xuất phát từ thị xã Nghĩa Lộ và bỗng nhiên ngửi thấy hương cốm thơm nhẹ thì có nghĩa quý vị đã đến Tú Lệ rồi đó ạ.

Người Thái ở đây thường kể rằng, xưa kia tổ tiên của họ khi đi khai hoang mở đất đã vô tình tìm thấy giống lúa nếp có bông to, hạt tròn và mùi thơm ngào ngạt. Thấy vậy, họ liền quyết định ở lại lập làng, lập bản rồi vỡ ruộng, nhân giống lúa để gieo trồng, từ đó tạo nên vùng Tú Lệ với văn hóa đặc sắc của người Thái ngày nay.

Ngoài việc người Thái dùng để chế biến món cốm dẻo ngọt trứ danh mà thứ gạo trắng thơm lạ thường còn dùng để nấu món xôi nếp mang hương vị bùi ngậy, hay đặc sản cháo cốm nấu với nước luộc vịt vẫn được coi là tinh hoa ẩm thực của người dân xứ Tú Lệ.

Điều thú vị hơn, giống lúa nếp tan nếu đem đi gieo trồng ở các vùng lân cận sẽ không thể cho ra hạt gạo hảo hạng sánh bằng Tú Lệ. Theo những nhà nghiên cứu, sự đặc biệt trên xuất phát từ những điều kiện tự nhiên như khí hậu, nguồn nước, thổ nhưỡng chỉ có ở vùng chân đèo Khau Phạ. Vậy nên từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn coi nếp dẻo, gạo thơm chính là thứ quà đặc biệt mà ông trời ban tặng cho họ.

Thưa quý vị, ngoài lúa nếp tan, Tú Lệ còn được thiên nhiên ban tặng cho một món quà độc nhất vô nhị mà ít nơi khác có được, đó là những dòng suối nước nóng bản Chao nức tiếng gần xa, thu hút không những khách du lịch tại Việt Nam mà còn thu hút cả những du khách quốc tế tới thăm để một lần được hòa mình vào làn nước ấm áp. Trước đây, khi du lịch còn chưa phát triển, khi nghĩ đến Tú Lệ, nhiều du khách còn mặc định hình ảnh của thung lũng thần tiên này chính là các cô gái Thái tắm trần bên suối, một vẻ đẹp dung dị mà không hề dung tục, khiến ai đã đến một lần thì sẽ nhớ mãi. Trước đó em có nghe kể rằng người dân tại xã Tú Lệ coi “tắm tiên” là một tập quán văn hóa đặc sắc luôn được đồng bào Thái trân trọng và giữ gìn. Nước khoáng nóng chảy từ lòng đất lên được lưu giữ lại tại một bể bơi do người dân tự xây, để sau một ngày lao động cực nhọc, họ sẽ đắm mình ngay vào dòng nước, như một cách thư giãn và nạp lại năng lượng. Và cả người Thái cũng kể rằng, dòng suối khoáng luôn được ví như một phương thuốc thần kỳ có thể chữa bách bệnh. Người ốm trầm mình xuống nước, hôm sau đã thấy tỉnh táo, nếu bị đau họng chỉ cần lấy nước buổi sáng tại suối uống sẽ khỏi, còn thôn nữ Thái tắm suối thường xuyên nên da dẻ luôn luôn trắng mịn. Tuy được gọi là “tắm tiên” nhưng người Thái tắm suối khoáng rất văn minh, trai gái khi tắm luôn giữ khoảng cách. Đàn ông mặc quần đùi, phụ nữ quấn váy phủ khăn che ngực, xuống nước thì bỏ khăn để trần nửa trên. Đây cũng là yếu tố thể hiện tính đoàn kết cộng đồng và tinh thần hướng đến nét đẹp trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Giống với những La Pán Tẩn, Dế Xu Phình trong mùa vàng ruộng bậc thang, vào tháng 9 tháng 10, Tú Lệ cũng ánh lên một màu vàng rực của những cánh đồng lúa chín. Sóng lúa thổi từng cơn, suối nhỏ phản chiếu ảnh nắng ban chiều tạo nên khung cảnh thần tiên không ai có thể trải nghiệm ở chốn thành thị.

Khác với những địa danh khác, ruộng Tú Lệ cho cảm giác “hiền hòa” hơn nhiều vì không nằm chênh vênh trên những quả đồi hay hun hút sâu trong thung lũng. Cũng là ruộng bậc thang nhưng ở Tú Lệ lại đem tới cảm giác gần gũi hơn, chỉ cần đưa tay ra đã chạm vào được sự kiều diễm của “nàng tiên” vùng Tây Bắc.

Trong khoảng những năm trở lại đây, nhận được sự đầu tư của Tỉnh Yên Bái và các doanh nghiệp, Tú Lệ cũng ngày trở nên diễm lệ và thanh tú hơn. Đường xá được cải thiện, suối nước nóng được tận dụng hợp lý và trở thành điểm thu hút du khách gần xa, cảnh quan vì thế cũng trầm đẹp và hút mắt hơn bội phần.

Điều đáng chú ý thu hút nhiều đoàn khách trở lại đây nhất chính là sự xuất hiện của resort đẳng cấp mang tên Le Champ, mới được hoàn thiện ngay tại trung tâm Tú Lệ. Với vị thế lưng tựa núi, bao quanh bởi sóng lúa điệp trùng, khu nghỉ dưỡng này sở hữu đầy đủ tiện nghi và dịch vụ đẳng cấp, nổi bật giữa quang cảnh xanh tươi dưới chân đèo Khau Phạ đó ạ. Vào một buổi hoàng hôn ở Tú Lệ thì em tin sẽ không làm quý vị thất vọng khi được thử cảm giác ngâm mình trong suối khoáng, hít hà hương cốm thơm mới ra lò, ngắm mặt trời từ từ kéo xuống lấp ló sau rặng núi thông, vừa dung dị nhưng nhưng cũng đậm chất “tình”.

Chuyến hành trình tiếp theo của đoàn nhà mình ngày hôm nay, cũng là một điểm đến đắc biệt nhất trong chuyến đi lần này. Quý đoàn nhà mình có đoán được địa điểm tiếp theo mình sẽ góp mặt vào trong ngày hôm nay là đâu không ạ? Dạ vâng rất đúng rồi ạ. Đó chính là Mù Cang Chải là điểm đến chính trong chuyến đi lần này của đoàn nhà mình ạ. Em xin phép đoàn nhà mình cho em được giới thiệu qua về mùa lúa chin ở Mù Cang Chải cho đoàn nhà mình được hiểu rõ nhiều về nơi đây hơn ạ. Trong những năm gần đây, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm, du khách hầu như ở khắp mọi miền tổ quốc đều đổ về Mù Cang Chải để chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp tuyệt vời của mảnh đất vùng cao này. Đến với nơi đây, quý đoàn không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, những biển mây trắng trên đỉnh đèo Cao Phạ mà còn được đắm mình vào những lễ hội văn hóa độc đáo của đồng bào Mông.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố Yên Bái 180km, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển. Đến Mù Cang Chải, vừa nãy đoàn nhà mình đi đường Quốc lộ 32 để xuống đây theo hướng từ Hà Nội rồi lên Yên Bái, từ Yên Bái đến Mường Lò 70km, ngủ tại đây để sáng sớm mai đi xe từ Mường Lò, xế trưa sẽ đến Mù Cang Chải. Vì đoạn này dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục, chừng nào leo đến độ cao 1.750m, sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải. Chặng giữa đèo có một miền đất phẳng, chính là nơi mà đoàn nhà mình đã được nghỉ chân ở đây để thưởng thức thứ cơm lam nếp Tú Lệ dẻo thơm nức tiếng khắp vùng còn một hướng nữa để đến Mù Cang Chải này là đoàn nhà mình phải đi hết đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ, sau đó qua Tân Uyên và Than Uyên của Lai Châu mới có thể đến được nơi đây.

Chỉ cần đến Mù Cang Chải dù chỉ một lần nhưng HDV tin rằng chắc chắn quý vị cũng sẽ cảm nhận được sự trù phú của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp tình người. Đường lên Mù Cang Chải tuy xa và khó khăn song lại rất thú vị phải không ạ? Quang cảnh thay đổi liên tục trên đường, du khách chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn với bạt ngàn hoa ban trắng đã được đến với những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc đứng. Các vận động địa chất đã tạo ra cho Mù Cang Chải những đỉnh núi cao như: Púng Luông (2.985m), Phu Ba (2.512m), Mồ Dề (2.100m)… Qua đèo Khau Phạ (cao 2.100m), như em đã nói ở đầu chuyến hành trình thì đây là đỉnh núi cao nhất trong “tứ đại đỉnh đèo” Tây Bắc được bao phủ trong biển mây bồng bềnh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỉnh đèo Cao Phạ còn là địa điểm đẹp đứng thứ 4 trên thế giới để cho các phi công trong đoàn chúng ta chơi trò bay dù lượn, cho những họ được thỏa sức với cảm giác mạnh, trò chơi mạo hiểm để chinh phục bầu trời và cùng được thỏa sức chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất trời từ trên không trung qua trò chơi dù lượn. Từ đây, cứ từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, đoàn nhà mình sẽ được cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những triền ruộng bậc thang đẹp mê hồn khiến mỗi chúng ta đều thấy choáng ngợp. Chuyến hành trình ngày mai, quý đoàn nhà mình sẽ được dừng chân và tận mắt chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang tuyệt vời của Mù Cang Chải này.

Em xin phép được giới thiệu một chút về tổng quan của thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn giữa hai sườn núi với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ. Một dân tộc chiếm đến 90% dân số toàn huyện, có quý vị nào đoán ra là dân tộc nào không ạ? Dạ vâng em vừa nghe một vị nói đến người Mông, rất đúng rồi ạ. Người Mông ở Mù Cang Chải rất đông và được chia làm 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lình (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ), họ cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m với những nét văn hóa đậm đà truyền thống, đặc sắc luôn thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Đến nơi đây, quý đoàn có thể vào thăm các bản làng dân tộc Mông, khám phá nét văn hóa cũng như những phong tục tập quán nơi vùng cao Tây Bắc với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc và sản vật nổi tiếng. Xem múa khèn, cùng trai gái Mông đi hội Sải Sán, trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Mông. Đặc biệt em và đoàn nhà mình cũng không thể bỏ qua và ghé thăm bản Thái, đoàn nhà mình chỉ cần đi qua cây cầu ở ngay trung tâm huyện (hướng về xã Chế Tạo nơi có khu bảo tồn loài sinh vật cảnh) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái. Một bản nhỏ bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi. Ở đây, quý vị sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái, tắm lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức giao lưu, đốt lửa trại, múa xòe.

Hôm nay là ngày cuối cùng trong chuyến hành trình của đoàn nhà mình rồi ạ. Em xin được mạn phép hỏi đêm hôm qua quý vị có cảm thấy ngủ ngon giấc tại khách sạn mà bên em đã sắp xếp không ạ? Sáng nay lên xe em thấy quý vị nào cũng tươi tỉnh và tràn đầy năng lượng thế này thì em cũng đoán được phần nào rồi ạ. Để tiếp nối những năng lượng mà quý vị mang lại cho em thì bây giờ đoàn nhà mình di chuyển đến Mù Cang Chải để được tận mắt thưởng ngoạn những vẻ đẹp của quần thể Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải được không ạ? Nói về ruộng bậc thang Mù Cang Chải thì nơi đây có tổng diện tích 330 ha phân bố chủ yếu trên 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Su Phình, nơi mà đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Danh thắng Quốc gia từ năm 2007. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây đẹp tựa vân tay của trời, được xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Mông.

Không phải chỉ mới bây giờ mà đã từ lâu lắm, cái vùng đất khắc nghiệt Mù Cang Chải với ý nghĩa “làng cây khô” trong ngôn ngữ Mông đã trở thành biểu tượng sức cần cù, sáng tạo bền bỉ của con người. Từ một vùng đất khô cằn hoang hóa, những người Mông giỏi trèo đèo vượt núi đã khéo vận dụng biến từng luống đất, từng vạt đồi thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, không chỉ đem lại nguồn lương thực nuôi sống cộng đồng mà còn điểm thêm nét nhấn nhá vào thiên nhiên, biến núi đồi hoang vu thành những kiệt tác độc đáo in đậm giá trị văn hóa truyền thống cùng kỳ công sáng tạo của người Mông. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi. Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang.

Ruộng bậc thang đẹp nhất vào tháng 5-6 khi những thửa ruộng vào mùa nước đổ và tháng 9-10 khi lúa nếp chín vàng óng ả trải dài khắp các triền đồi. Quý đoàn nhà mình đến Mù Cang Chải đúng vào thời điểm mùa hạ như này sẽ được tận mắt chứng kiến những mâm xôi xanh, vàng hiện lên giữa bạt ngàn đồi núi. Quý vị dừng chân tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình, ở đâu chúng ta cũng sẽ đều nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Chắc chắn qúy đoàn sẽ không khỏi ngưỡng mộ, trầm trồ, tán thưởng bức tranh thổ cẩm huy hoàng giữa đất trời do những người “nghệ sĩ nông dân” xứ Tây Bắc thêu dệt nên. Cả một vùng núi non trùng điệp này chính là bức tranh vùng cao Tây Bắc tuyệt đẹp được vẽ nên bởi trời xanh, mây trắng, những thửa ruộng cao và một cuộc sống đơn giản, bình dị mà chân thực đến từng ánh mắt, nụ cười.

Đến với những triền ruộng bậc thang thì đoàn nhà mình có thể chụp ảnh, ngắm cảnh ở quãng đường 7km qua thị trấn huyện. Tuy nhiên, muốn thật sự được chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng tráng và thiên đường ruộng bậc thang thì chỉ có một cách duy nhất là phải lội bộ từ vài giờ thậm chí là phải đến vài ngày bằng những con đường mòn băng qua các hẻm núi.

Khí hậu Mù Cang Chải mang tính chất tiểu vùng rất rõ rệt, nhiệt độ trung bình là 190C, mát mẻ về mùa hạ và lạnh về mùa đông. Nơi đây vẫn được mệnh danh là “xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu”. Hệ thống khe, suối của Mù Cang Chải khá dày đặc, chạy dọc theo Quốc lộ 32 là Nậm Kim con suối lớn nhất và duy nhất của huyện chảy theo hướng Đông Nam – Tây Bắc. Suối Nậm Kim quanh năm nước chảy rì rầm, chia Mù Cang Chải thành tả ngạn và hữu ngạn, mang lại vẻ đẹp thơ mộng hiếm có cho vùng cao Mù Cang Chải. Ngoài ra, Mù Cang Chải còn rất nhiều hệ thống suối nhỏ như: Nậm Hu, Nậm Mu, Nậm Muối, Nậm Có, Nậm Păng, Nậm Khắt, Nậm Khót… góp phần mang lại khí hậu mát mẻ, trong lành. Cùng với hệ thống khe, suối là hàng loạt các thác nhiều tầng, nổi tiếng như: Thác Nậm Mơ (Mồ Dề), Dề Thàng (Chế Cu Nha),… Quý vị sẽ được hòa mình vào những dòng nước tung bọc trắng xóa.

Nói đến Thác Pú Nhu thì em xin được giới thiệu là thác Pú Nhu nằm cách bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn khoảng 10 km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ huyện Than Uyên – Lai Châu đổ về, thác có độ dốc cao cột nước khoảng 20 m được chia nhiều bậc. Thác Mơ huyện Mù Cang Chải nằm giữa hai ngọn đồi của Nả Háng A và Nả Háng B, thuộc xã Mồ Dề. Trong hành trình chinh phục Thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Từ trung tâm huyện đi bộ vào Thác Mơ mất khoảng gần 30 phút vào đến Thác, tiếp tục từ đây du khách sẽ tới điểm Thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm thác 4 tầng thì quý vị phải tiếp tục chịu khó một chút để đi bộ ngược dòng Thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để đoàn nhà mình có thể lưu lại những hình ảnh đẹp về Thác Mơ. Ngoài thác Mơ thì quý đoàn còn có thể đến thăm hang động của xã Nậm Khắt để chinh phục đỉnh núi của xã Púng Luông và bãi đá cổ Lao Chải.

Ở Mù Cang Chải thì rừng là một thế mạnh với tổng diện tích lên đến 80.000ha, trong đó có 20.293ha rừng già và rừng nguyên sinh, 12.863ha rừng thông, hơn 2.000ha rừng sơn tra, ngoài ra, các loại dược liệu quý như: đẳng sâm, hà thủ ô, sa  nhân… cũng có điều kiện phát triển và bước đầu mang lại thu nhập cho cư dân nơi đây. Mù Cang Chải chính là nơi có khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh với trung tâm là xã Chế Tạo và vùng ngoại vi phía Bắc, phía Đông các xã Dế Su Phình, Púng Luông, Nậm Khắt. Trong những cánh rừng ngút ngàn, qua nhiều năm khảo sát người ta đã phát hiện ra 22 loài bò sát, lưỡng cư; 127 loài chim, riêng họ khướu có tới 41 loài như: khướu vằn, khướu đuôi đỏ, khướu đất Pigmi, khướu lùn đuôi đỏ, khướu mào cổ hung, khướu mỏ dẹt vàng,… Quý hiếm hơn cả là loài niệc cổ hung Aceros Nipalensis, hiện nay chỉ còn thấy ở Mù Cang Chải và vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Nơi đây, chỉ còn 28 – 30 cá thể nhưng cũng là quần thể niệc cổ hung lớn nhất Việt Nam. Các loài thú hết sức phong phú với 53 loài khác nhau như: cầy vằn, nhím đuôi ngắn, cu li nhỏ, chó sói, khỉ mốc, lợn lòi, nai, khỉ mặt đỏ, sơn dương, gấu, ngựa, báo gấm, báo lửa, báo hoa mai, voọc xám… Đặc biệt là loài vượn đen tuyền có khoảng tầm hơn 200 cá thể, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ xác định ở hai địa điểm là phía Bắc huyện Văn Bàn (Lào Cai) và vùng giáp ranh giữa Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La).

Chắc chắn đến Mù Cang Chải quý khách sẽ được đắm mình trong những biển mây trắng bồng bềnh bao phủ cả triền núi, được khám phá nhiều điều thú vị về cảnh sắc thiên nhiên, những thửa ruộng bậc thang vào mùa nước đổ và những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao và trò chuyện với những người dân chân chất giản dị luôn tận tình chu đáo với những đoàn khách thập phương đến tham quan.

Dạ, mình tham quan ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải cũng là điểm dến cuối cùng trong chuyến hành trình của mình rồi ạ và cũng đã đến giờ đoàn nhà mình được nghỉ ngơi và dùng bữa trưa rồi ạ. Không biết quý đoàn nhà mình hòa mình vào thiên nhiên cảm thấy có vui không ạ mà nãy giờ em không thấy vị nào kêu mệt mỏi hay đói bụng gì ạ? Dạ vâng thì bây giờ em có thể mời quý đoàn nhà mình di chuyển về xe để chúng ta có thể đến nhà hàng dùng bữa đúng hẹn được không ạ? Dạ vâng em cảm ơn ạ.

Vâng kính thưa quý cô chú và anh chị chỉ còn 10 phút nữa thôi là xe của chúng ta sẽ về tới trung tâm thành phố Hà Nội rồi ạ. Kết thúc chuyến hành trình 2 ngày 1 đêm. Quả đúng là chợ chiều chưa họp đã tan, chưa kịp thắm thì đã chan chứa buồn. 10 phút nữa thì em sẽ phải nói lời chia tay đến quý cô chú và anh chị sau một khoảng thời gian gắn bó đầy duyên và phận. Cũng bởi có men thì rượu mới say lòng, duyên mới gặp nhau trong chuyến này thì mấy bữa mấy ngày, rượu chưa kịp uống nhưng say trong lòng. Cảm ơn quý cô chú và anh chị đã dành tình cảm cho em trong những vừa qua. Đã coi em là một thành viên trong đoàn xin được gửi lời cảm ơn đến anh/chị trưởng đoàn, người đã tận tâm tận tụy không ngại khó mà cũng chẳng ngại khổ để lo cho đoàn của chúng ta trong suốt chuyến hành trình, lo đến nỗi đêm nằm chẳng thiết ăn gì, ngày lo không ngủ cũng vì đoàn ta, cũng vì lo cơm, lo nước, lo trà, lo xe đi lại, lo phà qua sông. Và chúng ta hãy gửi một tràng pháo tay thật lớn đến anh/chị trưởng đoàn của chúng ta được không ạ? Và lời cảm ơn tiếp theo, em xin được gửi tới bác tài tận tụy, người đã dành cả trái tim để di chuyển chiếc xe của đoàn chúng ta đường xa lên núi lên ngàn, vẫn luôn êm ái an toàn mọi nơi. Và chúng ta có thể gửi tới bác tài một tràng pháo tay thật lớn thay cho lời cảm ơn được không ạ? Và trong chuyến hành trình vừa qua cũng không thể tránh được những điều thiếu sót bởi bàn tay thì ngón ngắn ngón dài cẩn thận đến mấy cũng không tránh khỏi được 1 2 lỗi lầm, cũng như là trong chuyến hành trình mà còn những điều gì thiếu sót, điều gì khiến cho cô chú và anh chị cảm thấy không hài lòng thì cũng rất là mong cô chú và anh chị chúng ta hãy lượng thứ. Cũng rất là mong chuyến hành trình tới sẽ lại tiếp tục được đồng hành cùng quý đoàn nhà mình ạ. Lời cuối cùng thì xin được trân thành cảm ơn tới quý đoàn nhà mình.

Nội dung trên có thể tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau

Nội dung thuyết minh còn tiếp….liên hệ Wondertour để được hướng dẫn tải bài thuyết minh đầy đủ. 

3.Đăng ký tour

Để đăng ký tour: Sapa – Bản Cát Cát tại đây

hoặc liên hệ với Wondertour
Địa chỉ: 100 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 02437722777, Hotline: 0931722777

Hướng dẫn viên: Nguyễn Thị Thu Ngân 

Số điện thoại: 0931722777

Bài thuyết minh độc quyền trên Wondertour, vui lòng không sao chép dưi mọi hình thức

 

 

 




    Đăng ký tư vấn

      Đặt tour đoàn/ Nhóm riêng

      • Dự kiến khởi hành

      • Dự kiến ngày về


      Thông tin khách hàng


      Bài xem nhiều