Thuyết minh tour Thái Nguyên: Đền Đuổm

03/12/2021 10:32 +07 - Lượt xem: 89423

Về với Thái Nguyên, Quý vị có dịp về với Thủ đô gió ngàn, của những dấu ấn ghi đậm trong lịch sử dân tộc với ATK Định Hóa , nơi được...

Về với Thái Nguyên, Quý vị có dịp về với Thủ đô gió ngàn, của những dấu ấn ghi đậm trong lịch sử dân tộc với ATK Định Hóa , nơi được coi là Thủ đô kháng chiến…về với mảnh đất chè thái gái Tuyên.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/che-thai-nguyen-wondertour-1024x573.jpg

 

1.Tóm tắt chương trình tour

Để biết rõ chương trình tour tại đây

2. Nội dung thuyết minh

Giới thiệu Thái Nguyên

Hiện tại xe chúng ta đang di chuyển đến với tỉnh Thái Nguyên, thưa quý đoàn thân mến, như ta biết thì Thái Nguyên là một trong 9 tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Thưa quý đoàn, thì một số anh chị có hỏi em là, ngày xưa hồi vẫn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, có nghe tới khu vực Việt Bắc, vậy Việt Bắc là khu vực nào mà lại không có trên bản đồ địa lý? Thì em xin thưa rằng là khu vực Việt Bắc chính là khu vực mà ta đang đi lên đó ạ. Khu Việt Bắc đó là trong thời kháng chiến thôi ạ, hồi đó là có 06 tỉnh, đó chính là Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Thưa quý đoàn, như ta được biết thì miền bắc được chia làm ba vùng, đó chính là Đông Bắc – Tây Bắc – Đồng bằng Sông Hồng. Hôm nay đoàn nhà mình trên Thái Nguyên- Bắc Kạn – Cao Bằng, là lên khu vực Đông Bắc đó ạ, cũng chính là nơi Việt Bắc trong thời kháng chiến. Nhắc tới Việt Bắc là ta nhớ ngay tới một bài thơ được mang tên Việt Bắc của nhà văn Nguyễn Khoa Điềm. Trong chuyến hành trình lần này, đi qua mỗi địa điểm có liên quan đến trong bài thơ đó, em xin phép được giới thiệu đến quý đoàn nhà mình. Thưa quý đoàn, thì hồi kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thì Thái Nguyên được biết đến như là thủ đô kháng chiến, và Thái Nguyên còn là trung tâm chính trị của khu Việt Bắc xưa đó ạ. Xe của đoàn mình đang di chuyển trên con đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, lúc mà chưa có đường cao tốc này, thì mình phải đi đường QL 3 cũ, mà qua địa phận Sóc Sơn đó ạ. Với chương trình ngày hôm nay mình đi đến với Thái Nguyên có tham quan một địa điểm đó chính là Đền Đuổm, khi nào gần đến em sẽ giới thiệu những điều hay ý đẹp, những câu chuyện gắn liền với địa điểm đó. Trên đường đi đoàn nhà mình sẽ dừng nghỉ ăn sáng tại thành phố Thái Nguyên. Còn hôm nay đoàn mình di chuyển sớm, nên em xin phép tạm gác lại míc để đoàn nhà mình nghỉ ngơi, gần đến điểm ăn sáng nghỉ ngơi em xin phép thông báo cho đoàn nhà mình.

Giới thiệu thành phố Thái Nguyên

Thưa cả đoàn nhà mình thân mến, hiện tại xe đoàn mình đang đến với TP. Thái Nguyên, thưa cô chú anh chị, cô chú anh chị có biết tại sao gọi là Thái Nguyên không ạ? Mỗi tên tỉnh, địa danh đều có ý nghĩa riêng của nó, Thái Nguyên cũng vậy, như em tìm hiểu một số tài liệu, thì Thái Nguyên có nghĩa là Thái ở đây có nghĩa là to lớn hay rộng rãi, Nguyên có nghĩa là cánh đồng hoặc chỗ đất rộng và bằng phẳng, mình hiểu một cách đơn giản là như thế.

Yêu cầu tư vấn chương trình du lịch hoặc gọi Hotline

Có ai lên chợ thái buôn chè, cho tôi buôn ấm ngồi kề một bên, chè ngon được ấm, ấm bền được lâu”. Kính chào cô chú và anh chị đã đến với Thái Nguyên, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của tổ quốc. Và chắc hẩn khi nói tới thái nguyên thì ai ai cũng nghĩ ngay đến cái câu “chè Bắc Thái, gái Tuyên Quang” hay còn gọi là ” chè Thái, gái Tuyên” đúng không ạ. Có thể thấy rằng cái ngon, cái tinh tuý của chè Thái Nguyên từ lâu đã gợi nhớ gợi thương và đã mê mẩn say đắm không biết bao nhiêu người chẳng khác nào say đắm mê mẩn một cô gái đẹp vậy. Tuyệt vời hơn khi mà chúng ta đến với Thái Nguyên được nhâm nhi một chén trà Tân Cương hay La Bằng đều là những thứ trà ngon và nối tiếng nhất nhì cả nước đúng không ạ. “lại đây nâng một chén trà, say hương say vị hay là say em“. Và sau khi thưởng thức chén trà ngon nước tiếng rồi thì bây giờ xin mời quý cô chú và anh chị sẽ dạo quanh một vòng Thái Nguyên với những địa danh thân thương và quen thuộc

qua Đu, tới Đuổm, lên Chào. Rẽ qua phố Ngữ thì vào chợ Chu, khi Mỏ Bạch, khi Xương Rồng, Khi phù liễn tự, khi Đồng Mỗ am, hay là chúng ta sẽ dạo chơi non nước Vô Linh, phong cảnh hữu tình để nhớ cho ai, Ngàn Tây giải núi dài dài, có con sông Khốn chảy hoài phí đông, Bàn cờ, Khảm Tướng, Cao Trung, Mũi cày, Đụn Rạ trùng trùng nước non” vâng qua những câu ca dao trên chúng ta cũng biết kha khá các địa danh rồi đúng không ạ. Chúng ta đến với Thái Nguyên không chỉ để uống trà, thăm thú và ngắm những cảnh quan đẹp đặc sắc đâu ạ, mà đến với Thái Nguyên ta còn được gặp gỡ hoà vào cuộc sống của con người nơi đây, với mỗi một vùng đất khác nhau trong mảnh đất Thái Nguyên chúng ta sẽ bắt gặp được cái tính cách đặc sắc khác nhau của mỗi vùng đất và những tính cách này còn được các cụ ngày xưa để lại trong ca dao tục ngữ, như là:

Chết ông, chết cha không bằng Xuân La uống rượu

Chuôm Bồ Đề, giếng Bố Đa, chùa Phượng Linh, đình Đức Trọng

Cá Khe Mo, bò Văn Hão, lão Trung Thần, dân Hóa Thượng

Trống đình làng Thái, cổ đãi làng Chiềng. Hoặc sâu xa hơn một chút nữa các cô gái có thể chọn cho mình một chàng trai Thái Nguyên, thì có thể tham khảo một số sau đây mà các cụ để lại:

Khéo ăn làng Thói

Khéo nói Úc Kỳ

Rù rì Phương Độ

Sừng sộ Nga Mi

Ru không chịu đi

Là anh làng Vạn

Ăn chơi có hạng

Là đất Phao Thanh

Thích được làm anh

Thanh niên làng Cả…

Có thể thấy rằng các điều kiện tự nhiên thì đã ban cho Thái Nguyên các vùng trà ngon nức tiếng khắp cả nước, mà chính các điều kiện tự nhiên đó cũng đã đem lại những khó khăn và khổ cực cho con người nơi đây, mà chẳng những thế mà lại có cái câu: Những người lử khử, lừ khừ Chẳng ở Đại Từ cũng ở Võ Nhai. Cái câu này mang nhiều ý nghĩa về trước đây còn với sự phát triển của giao thông vận tải với điều kiện sinh sống của con người thì những người như Đại Từ, Võ Nhai không còn lử khử, lử khừ như trước đây nữa mà bây giờ” em là cô gái Đại Từ, thân hình xanh mượt tựa như búp trà. Thuỷ chung son sắc đậm đà, yêu anh bằng cả thật thà con tim.

Giới thiệu làng nghề bánh Chưng Bờ Đậu

Thưa quý đoàn thân mến, có một câu chuyện, ngày xưa vào thời Hùng Vương thứ 6, và con trai của thứ 18 của Hùng Vương là Tiết Liêu hay còn gọi với cái tên quen thuộc là Lang Liêu, nhắc đến Lang Liêu là quý đoàn nhà mình nhớ ngay đến câu chuyện gì ạ, đó chính là câu chuyện Bánh Chưng bánh Dày đúng không ạ? Ta tìm hiểu một chút về bánh Chưng, thì ở thời đó câu chuyện bánh Chưng bánh Dày để lại cho chúng ta sau này những cái vô cùng ý nghĩa. Bánh Chưng thì hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho trái đất, tính âm. Bánh dày hình tròn, màu trắng, tượng trưng cho trời, tính dương, thế hiện triết lý âm dương. Bánh chưng âm dành cho mẹ, bánh dày dương dành cho cha. Bánh chưng bánh dày là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Thưa cô chú anh chị thân mến, bánh chưng, bánh dày thật sự là một món ăn vô cùng độc đáo có một không hai của dân tộc. Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể, để chứng tỏ văn hóa ẩm thực của Việt Nam ta đó ạ. Tại sao em lại kể về câu chuyện bánh chưng, bánh dày với đoàn nhà mình ngày hôm nay? Cô chú anh chị có thắc mắc không ạ? Tại vì xíu nữa thôi, đoàn nhà mình sẽ đến và được dừng chân tại một làng nghề đó ạ, đó chính là làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, nổi tiếng nằm trong top 5 làng nghề của miền bắc đó ạ.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/banh-chung-dep-bo-dau-1024x684.jpg

Theo lời người dân nơi đây, tổ nghề của món bánh chưng này chính là cụ bà Nguyễn Thị Xuân. Cụ Xuân hay còn gọi là cụ Đấng là người của xã Cổ Lũng.

Từ những năm 1960, cụ Đấng sinh sống bằng nghề làm bánh chưng ở xóm Bò Đậu. Nhờ tay nghề điêu luyện, những chiếc bánh chưng của cụ Đấng rất ngon khiến khách hàng ăn một lần mà nhớ mãi. Tiếng thơm đồn xa, ngày càng nhiều người nghe truyền tai tìm đến để mua, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu cứ thế lan xa.

Đến khi tuổi cao, cụ Đấng truyền lại nghề cho con cháu. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bánh chưng Bờ Đậu khá cao, nhiều người trong làng cũng bắt đầu gói, bánh chưng bán cho khách phương xa. Nghề làm bánh chưng Bờ Đậu được nhân rộng khắp vùng.

Tiếng thơm của bánh chưng Bờ Đậu đã lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước. Những ngày cận tết thì bánh Chưng ở đây bán chạy lắm ạ.

Thưa quý đoàn thân mến, bí quyết tạo nên sự khác biệt của bánh chưng Bờ Đậu. Nhìn chiếc bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon như vậy chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ tới công đoạn làm nên chiếc bánh chưng Bờ Đậu này nó như thế nào phải không ạ? Bánh chưng Bờ Đậu có nhiều nét độc đáo, gói gọn tinh hoa của đất trời, tâm huyết của người làm trong từng chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh.

Yêu cầu tư vấn chương trình du lịch hoặc gọi Hotline

Đặc điểm đầu tiên khiến mỗi du khách đến được tận mắt chứng kiến quá trình làm bánh là chiếc bánh chưng Bờ Đậu của Thái Nguyên không hề sử dụng khuôn mà chỉ dùng tay để gói. Đó được xem là một trong những kỹ nghệ riêng biệt chỉ có ở làng Bờ Đậu, mà không nơi nào có thể học hỏi được. Theo những người làng nghề, việc gói bánh chưng bằng tay giúp họ có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau. Chính vì thế người đời xưa có câu: “Trăm hay không bằng tay quen”, những người làm bánh chưng Bờ Đậu đầy kinh nghiệm luôn cho ra ”lò” những chiếc bánh chưng đẹp mắt, đều nhau tăm tắp. Bánh cho vào luộc không bị méo mó, hay căng phồng, nứt vỡ mà chiếc nào cũng vuông thành sắc cạnh.

Để có được những chiếc bánh chưng Bờ Đậu thơm ngon nức tiếng như ngày nay thì khâu chọn nguyên liệu và sơ chế nguyên liệu chắc chắn là một công đoạn hết sức quan trọng. Cũng vẫn là gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ nhưng dưới bàn tay của người dân Sơn Cẩm, Cổ Lũng, thì bánh chưng Bờ Đậu khi mới ra lò sẽ có một hương vị đặc biệt không thể lẫn với nơi nào. Chính điều này đã tạo nên sự độc đáo và cuốn hút rất riêng cho món ăn này.

Kính thưa quý đoàn thân mến, làm bánh chưng dù ở bất kì tỉnh nào cũng thế, gạo nếp là một nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình tạo ra những chiếc bánh chưng. Vậy cho em hỏi thì ở đây có quý vị nào biết bánh chưng Bờ Đậu chọn nguyên liệu gạo nếp được lấy từ đâu không ạ? Dạ em vừa nghe thấy có một vị khách nào nói lấy ở trên núi. Thì em xin phép trả lời ạ, nguyên liệu gạo nếp để làm ra chiếc bánh chưng là loại gạo nếp được lấy từ đặc sản của núi rừng Định Hóa, là một thứ gạo dẻo và đặc biệt rất thơm. Sau khi đã loại bỏ hết những hạt gạo có đầu đen hay lẫn một chút gạo tẻ, người dân Thái Nguyên sẽ tiến hành vo gạo và ngâm gạo trong khoảng vài tiếng đồng hồ để cho hạt gạo được nở ra. Sau đó để ráo nước và cho thêm chút muối để bánh thêm hương vị đậm đà.

Chúng ta đều là những người con của thủ đô Hà Nội và cứ mỗi dịp xuân về thì nhà nhà người người gói bánh chưng để đón Tết. Chắc hẳn quý vị ai cũng biết loại lá mà quê hương mình hay dùng là loại lá gì đúng không ạ? Dạ vâng đúng rồi ạ, đó là lá dong, lá dong mà để gói bánh chưng thì là ngon nhất rồi ạ, tuy nhiên còn có một số tỉnh không có lá dong thì hay dùng lá chuối để gói bánh chưng, không sao cả nhưng hương vị của bánh chưng khi luộc xong sẽ có hương vị khác một chút so với việc chúng ta chọn lá dong để gói bánh ạ. Và người dân Thái Nguyên cũng vậy, họ cũng chọn lá dong là nguyên liệu tiếp theo để chiếc bánh chưng Bờ Đậu của họ mang một hương vị đặc biệt của vùng Đông Bắc ạ. Điều khác biệt ở chiếc lá dong của người dân tỉnh Thái Nguyên chọn là loại lá dong dùng để gói bánh chưng Bờ Đậu phải là loại lá dong nếp dày và có bản rộng. Đặc biệt là lá phải có màu xanh mướt thì gói bánh mới xanh và có màu bên ngoài đẹp mắt hơn. Người dân nơi đây phải chặt lá dong tại khu rừng Na Rì đem về rửa sạch và sau đó để cho ráo nước. Tiếp đến là công đoạn lau khô bằng khăn sạch và tước vợi cuống lá, chặt bớt phần ngọn lá và xếp gọn gàng để chuẩn bị gói. Tiếp theo là lạt dùng để gói bánh chưng Bờ Đậu phải là loại lạt được chẻ từ cây giang của vùng núi Thái Nguyên.

Nguyên liệu tiếp thep góp mặt vào quá trình tạo ra chiếc bánh chưng Bờ Đậu là những hạt đậu xanh. Để làm nhân bánh thì những hạt đỗ phải là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng. Sau khi làm vỡ đôi hạt đỗ, người dân sẽ ngâm nước cho đỗ mềm, sau đó đãi thật sạch lớp vỏ bên ngoài.

Nãy giờ em nói quý vị có thấy nguyên liệu gì còn thiếu trong chiếc bánh chưng truyền thống không ạ? Dạ vâng đúng rồi ạ, đó là những miếng thịt lợn. Điều đặc biệt tạo nên sự độc đáo riêng của món bánh chưng đặc sản Thái Nguyên này, đó là phần thịt làm nhân được lấy ra từ những con lợn do chính người dân nơi đây chăn nuôi dưới hình thức thả rông và cho ăn hoàn toàn từ nguồn thức ăn tự nhiên. Do đó, thịt lợn để gói bánh rất chắc và ăn có vị ngon ngọt hơn loại thịt lợn miền xuôi.

Người dân Cổ Lũng, Sơn Cầm cha truyền con nối với những bí quyết riêng đã tạo nên những chiếc bánh chưng đặc biệt. Không cần bất cứ loại khuôn nào, dưới bàn tay thuần thục của những người thợ gói bánh, từng chiếc bánh vuông chằn chặn, xanh mướt cứ lần lượt hiện ra. Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc trong vòng từ 8-10 tiếng, khi nước cạn phải đổ thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài.

Một điều đặc biệt nữa nguồn nước để luộc bánh chưng không phải là nguồn nước bình thường mà chúng ta hay dùng, nước được dùng để luộc bánh chưng Bờ Đậu được lấy từ chính nước suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là nước “giếng thần”. Thứ nước được trời cho trong vắt này đã giúp chiếc bánh chưng giữ nguyên được màu xanh lá dong và tạo nên mùi thơm đậm đà hòa quyện trong nồi bánh. Bởi vậy, người làng Bờ Dậu mới có câu ca:

“Bánh chưng luộc nước giếng thần

Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”.

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm và nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp Tết. Ngoài những chiếc bánh chưng truyền thống, người dân làng nghề còn sản xuất thêm bánh chưng lá giềng, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm… để tạo nên sự phong phú, mới mẻ cho sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Về chất lượng của bánh chưng Bờ Đậu, em tin chắc chắn rằng bất kì ai trong chúng ta khi ăn cũng sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của nó. Bóc chiếc bánh chưng Bờ Đậu, vỏ bánh xanh mướt, dẻo, nhân bánh bùi ngậy pha chút cay cay, thơm thơm của hạt tiêu, cảm giác như cả đất trời cùng hòa quyện trong từng chiếc bánh và câu chuyện Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dầy biếu vua Hùng lại như hiển hiện.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/12/banh-chuwng123-wondertour-1024x577.jpg

Vừa rồi đoàn nhà mình đã được tìm hiểu về làng nghề bánh chưng Bờ Đậu.

Giới thiệu 27/7

Kính thưa quý cô chú anh chị, bên tay trái ở chỗ làng nghề bánh chưng Bờ Đậu hay còn gọi là ngã ba Bờ Đậu ý ạ, đi vào trong là Đại Từ, đường đi lên Tuyên Quang. Có một khu du tích rất đặc biệt, liên quan đến ngày 27/7 đó ạ. Qúy cô chú anh chị, có biết ngày 27/7 là ngày gì không ạ? Dạ ngày 27/7 chính là ngày Thương binh liệt sỹ đó ạ.

Tại sao lại có khu di tích 27/7 này, thì em xin phép giới thiệu đến đoàn nhà mình một chút, để biết thêm thông tin ạ. Nằm trong quần thể ATK – huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm An toàn khu tuyệt mật trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cách đây 70 năm – ngày 27/7/1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, hơn 300 cán bộ và nhân dân đã tổ chức mít tinh, nghe công bố Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh liệt sỹ ở nước ta.

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nền độc lập còn non trẻ, chính quyền còn yếu ớt do hậu quả của chiến tranh và chính sách hà khắc của thực dân phong kiến để lại. Đúng như dự đoán của Hồ Chủ tịch, đầu năm 1946, thực dân Pháp lại trở lại xâm lược đất nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Kháng chiến bùng nổ ngày càng ác liệt, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt quân thù, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống không tiếc máu xương. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng lên; thương binh, liệt sỹ trở thành vấn đề đặc biệt quan tâm.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/11/27-7-wondertour-300x191.jpg

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 27/7/1997, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời của Ngày Thương binh toàn quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu di tích 27/7 và dựng bia kỉ niệm với nội dung được khắc trên bia: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày thương binh, liệt sĩ”. Đặc biệt, năm 2017 – năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ có rất nhiều hoạt động của Trung ương và của tỉnh được tổ chức trên mảnh đất lịch sử Hùng Sơn.

Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 là công trình văn hoá lịch sử có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ, thưởng ngoạn cảnh quan một vùng đất địa linh, sơn thuỷ hữu tình. Đây cũng là điểm nối với tuyến thăm quan Khu du lịch Hồ Núi Cốc và đi thăm các khu di tích trong huyện Đại Từ nối với các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hoá và Tân Trào – Tuyên Quang.

Giới thiệu đền Đuổm

Thưa quý đoàn thân mến, hiện tại xe đoàn nhà mình đang di chuyển trên con đường QL3 cũ theo hướng Thái Nguyên – Bắc Kạn.

Đền Đuổm là ngôi đền cổ nằm bên quốc lộ 3, thuộc địa phận xã Động Đạt (huyện Phú Lương), cách thành phố Thái Nguyên 25km về phía tây bắc. Đền nằm dưới chân núi Đuổm – một danh thắng của tỉnh Thái Nguyên.

Thưa quý đoàn vậy đền đuổm ở đây thờ ai? Đó chính là thờ Dương Tự Minh đó ạ. Nhắc đến Dương Tự mình thì có nhiều câu chuyện, và ông là người có công. Em xin phép giới thiệu đến đoàn nhà mình một chút về Dương Tự Minh: Truyền thuyết ở xứ chè Thái kể rằng, ngày tướng Dương Tự Minh chào đời, có một con đại bàng khổng lồ bay về núi báo hiệu tin vui. Sau này, khi tướng Dương Tự Minh lập chiến công và qua đời, người dân đã lập đền thờ và tục truyền dựng tượng đại bàng trên đỉnh núi. Thần phả viết rằng, vào triều đại nhà Lý dưới chân núi Đuổm có một bản nghèo là bản Doanh. Bản có mươi nóc nhà gianh tre đơn sơ, khuất dưới tán cây rừng, trong đó có một túp lều nhỏ tuềnh toàng không ai ngờ, đó là nơi hưu trí của một viên quan châu mục từng nổi tiếng một thời – cha của Dương Tự Minh.

https://wondertour.vn/wp-content/uploads/2021/12/denduomthainguyen07025315022020-300x200.jpg

Quan châu mục họ Dương, một dòng tộc đầy thế lực của người Tày ở vùng phủ Phú Lương. Ông từng là thủ lĩnh trong vùng, lập nhiều chiến công chống quân Tống xâm lược lần thứ hai trên chiến tuyến sông Cầu. Ông vốn người trung hậu, giàu lòng nhân từ có bao nhiêu bổng lộc đều chia sẻ cho mọi người nên về già không có nhà cao cửa rộng và của riêng.

Mãi năm ông bà ở tuổi 70 mới sinh cậu con trai. Lúc bà sinh con, bỗng thấy từ túp lều bừng lên sáng rực, lấp lánh như ánh hào quang, ánh sáng ấy như tỏa ra từ đứa con trai.

Người cha thấy việc lạ lùng ấy mới đặt cho con một cái tên là Tự Minh (tức tự mình phát sáng). Lại thấy trong giờ khắc Dương Tự Minh ra đời, có cả bầy chim đại bàng tung cánh quanh ngôi nhà sàn, nên người cha tiên đoán con mình sau này sẽ làm nên nghiệp lớn.

Yêu cầu tư vấn chương trình du lịch hoặc gọi Hotline

Lịch sử đều ghi nhận Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh và lớn lên ở Quan Triều dưới thời ba đời vua nhà Lý là Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông và Lý Anh Tông. Là thủ lĩnh nhưng Dương Tự Minh vẫn coi mình là thành viên bản làng, cùng dân đi cày, đi bắt cá và không có bất cứ một lãnh địa hay nô tỳ riêng nào.

Năm Đại Định thứ 5 (1144) có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh nói là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có nhiều người theo, Đàm Hữu Lượng đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Cả triều đình lo lắng, nhà vua cho người đi cầu hiền tài cứu nước.

Lúc này Dương Tự Minh xin gặp nhà vua để xung phong diệt giặc cứu nước. Đích thân nhà vua trao cho ông thanh Thượng phương bảo kiếm và phong cho chức Đô đốc Thống binh, giao cho 3 vạn binh mã.

Dương Tự Minh chia quân thành hai đạo, trận chiến diễn ra theo thế gọng kìm, quân Lý tiến công như vũ bão và giết chết Đàm Hữu Lượng. Sau khi dẹp yên giặc, Dương Tự Minh cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô.

Vua Lý sai các quan đại thần ra khỏi thành đô 10 dặm để đón, nhân dân khắp các bản làng, phố thị mở hội khao quân. Dương Tự Minh được nhà Lý gả cho hai nàng công chúa là Thiều Dung và Diên Bình. Hơn 100 năm sau, nhà Tống không dám lăm le và phải công nhận nền độc lập của Đại Việt.

Theo như em tìm hiểu một số tài liệu thì, khi vua Lý Thần Tông băng hà, hoàng thái tử Thiên Tộ nối ngôi khi mới 3 tuổi, hiệu là Anh Tông Hoàng đế, tôn mẹ là Hoàng hậu Lê Cảm Thánh làm Thái hậu.

Lê Thái hậu lại tư thông với Thái úy Đỗ Anh Vũ, cho nên phàm việc gì bất cứ lớn nhỏ đều ở tay Vũ quyết đoán cả. Vũ được thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu ngạo và khinh rẻ đình thần, ức hiếp vua, uy hiếp quan lại trong triều.

Năm Đại Định thứ 11, tức 1150, các tướng lĩnh chỉ huy đội quân cấm vệ như Vũ Đái, Nguyễn Dương, Nguyễn Quốc và Phò mã Dương Tự Minh thấy Đỗ Anh Vũ lộng quyền nên bàn sự trừ khử. Tuy nhiên, sự không thành nên Dương Tự Minh bị bắt đi đày rồi sống những năm cuối đời dưới chân núi Đuổm và mất ở đây.

Dân gian lưu truyền, sau này khi Dương Tự Minh trở về quê, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát trong dòng sông Phú Lương quê ông để trút bỏ hết bụi trần. Sau đó, ông mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời.

Sau này, triều Lý truy phong Dương Tự Minh làm “Uy Viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần”, nhiều triều đại phong kiến đã ban sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Nhân dân địa phương đã tôn Dương Tự Minh làm Đức Thánh, xây đền thờ ông ở núi Đuổm mà sau này được gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm.

Yêu cầu tư vấn chương trình du lịch hoặc gọi Hotline

Thưa quý đoàn thì ta còn biết đến ở khu vực này, ta nói lại một chút lịch sử. Lần giở lịch sử xưa mới thấy phủ Phú Lương xưa rộng bao quát khắp một vùng phía Bắc nước ta, gồm: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và một phần Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn ngày nay.

Đền và núi Đuổm không chỉ là linh tích xứ Thái mà từng là một pháo đài kiên cố để đánh bại kẻ thù. Xưa kia, Dương Tự Minh đã dùng núi Đuổm là nơi hội quân, tích trữ lương thảo, vũ khí.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã sử dụng núi Đuổm không chỉ như một pháo đài bất khả chiến bại, mà còn đặt pháo trên đỉnh núi để chống trả máy bay kẻ thù.

Núi Đuổm cũng trở thành một trong những địa điểm dừng chân của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến căn cứ ATK và bàn những việc tối mật. Chính vì thế, quần thể di tích đền Đuổm không chỉ có ý nghĩa văn hóa tâm linh, mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử trong công cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Dạ vâng, thì Đền Đuổm đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993. Hằng năm, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại tổ chức Lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ công lao của Dương Tự Minh. Hiện nay, đền Đuổm là điểm sáng về du lịch của huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên.

Nội dung trên có thể tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau

Nội dung thuyết minh còn tiếp….liên hệ Wondertour để được hướng dẫn tải bài thuyết minh đầy đủ. 

3. Đăng ký tour

Để đăng ký tour: Thái Nguyên – Đền Đuổm tại đây

hoặc liên hệ với Wondertour
Điện thoại: 02437722777, Hotline: 0931722777

Hướng dẫn viên: Lường Hoài Nam

3 năm kinh nghiệm dẫn tour Đông – Tây Bắc.

 Bài thuyết minh độc quyền trên Wondertour, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

 




    Đăng ký tư vấn

      Đặt tour đoàn/ Nhóm riêng

      • Dự kiến khởi hành

      • Dự kiến ngày về


      Thông tin khách hàng


      Bài xem nhiều